CHƯƠNG TRÌNH KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH – SINH VIÊN VIỆT NAM (09/01/1950 – 09/01/2024)

Ngày 09/01/1950 đã diễn ra cuộc biểu tình của hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, mở lại trường học. Trong cuộc đối đầu đó, sự hy sinh anh dũng của học sinh Trần Văn Ơn, một thành viên tích cực của phong trào học sinh yêu nước, hội viên Hội học sinh sinh viên Việt Nam Nam Bộ đã trở thành “ngòi pháo” làm bùng lên nhiều phong trào đấu tranh trong học sinh, sinh viên cả nước. Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên toàn quốc.
Với mong muốn giúp cho học sinh ôn lại truyền thống 74 năm ngày học sinh, sinh viên Việt Nam; từ đó giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh nhà trường lòng tự hào của tuổi trẻ, tinh thần tự tôn dân tộc và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước; đồng thời, tạo ra sân chơi bổ ích cho các em học sinh, xây dựng tình bạn đẹp và tinh thần đoàn kết giữa các em học sinh trong Nhà trường; sáng ngày 08/01/2024, trường THPT Nguyễn Thiện Thuật long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh – sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2024).
Trong chương trình kỷ niệm lần này, học sinh toàn trường được cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của 74 năm trước, ngày truyền thống học sinh – sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2024) – và tham gia hoạt động “Trao gửi yêu thương”, gửi tặng đến nhau những món quà vô cùng đáng yêu và ý nghĩa. Những món quà tuy nhỏ nhưng gửi gắm những thông điệp sâu sắc về tình yêu thương, sự đoàn kết gắn bó, nhắn nhủ nhau cùng quyết tâm nỗ lực học tập, rèn luyện để chung tay góp phần xây dựng đất nước nói chung và mái trường THPT Nguyễn Thiện Thuật nói riêng ngày một tươi đẹp hơn.
Cùng nhau nhìn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng ấy, chúng ta mới thấy càng thêm yêu, càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình ở thực tại; đồng thời biết ơn các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc; từ đó nhận thức rõ trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Như một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Nào bây giờ chúng ta hãy cùng nhau xem lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong chương trình kỷ niệm.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0913454455